Quay lại

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH GIA LAI

Sign in

Tự hào thương hiệu Agribank

          Xuyên suốt chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Gia Lai (Agribank Gia Lai) đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách để khẳng định được vị thế, tên tuổi như ngày hôm nay-một Agribank không ngừng lớn mạnh, hiện đại, đa năng, nắm giữ vai trò chủ đạo trên thị trường nông nghiệp-nông thôn.Những dấu ấn khó quênSự ra đời của Chỉ thị 202/CT-HĐBT ngày 28-6-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng 'Về việc cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông-lâm nghiệp và kinh tế nông thôn' và Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ 'Về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn' được nhìn nhận là chính sách cực kỳ quan trọng mở lối đi riêng cho Agribank sau thời kỳ bao cấp kéo dài. Cùng với cơ chế tín dụng, cơ chế khoán tài chính được Agribank ban hành bằng Văn bản số 946A/NHNo-KT ngày 4-1-1994 nhằm thay đổi tư duy kinh doanh, đề cao tinh thần tự chủ, sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh doanh trong toàn hệ thống.

 

        Đối với Agribank Gia Lai, giai đoạn 1992-1996 là khoảng thời gian đáng ghi nhớ khi hướng đầu tư tín dụng nông nghiệp-nông thôn-nông hộ đã mở ra, tạo sự đột biến mạnh mẽ về mọi mặt trong hoạt động kinh doanh so với trước đây. Mạng lưới giao dịch phát triển mạnh theo mô hình liên phường, xã ở khu vực kinh tế tập trung, nâng số chi nhánh trực thuộc lên con số 19. Đáng chú ý hơn hết là tốc độ tăng trưởng quy mô kinh doanh đạt mức cao, tính đến cuối năm 1996, nguồn vốn huy động đạt 150 tỷ đồng, tăng bình quân 48%/năm, dư nợ cho vay đạt 387 tỷ đồng, tăng bình quân 69%/năm. Trong đó, dư nợ cho vay hộ sản xuất là 289 tỷ đồng, tăng bình quân 125%/năm; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 29% vào cuối năm 1991 xuống còn 2% vào cuối năm 1996. Hiệu quả kinh doanh tăng nên đời sống cán bộ, viên chức giai đoạn này được cải thiện đáng kể, tinh thần lao động hăng say, yêu ngành, yêu nghề, không quản ngại khó khăn để thực hiện cho vay-thu nợ với khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện lao động thủ công.

Nỗ lực bứt phá

Trong số những thử thách đáng nhớ mà Agribank Gia Lai đã vượt qua, không thể không nhắc đến giai đoạn khủng hoảng về giá cà phê những năm đầu của thế kỷ XXI. Giá cà phê giảm sâu và kéo dài nhiều năm đã tác động rất lớn đến đời sống nông dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh cà phê của Agribank Gia Lai có thời điểm chiếm tới 50% tổng dư nợ. Theo chủ trương của Chính phủ, Agribank Gia Lai đã thực hiện khoanh nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không ổn định, thậm chí có doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Hoạt động tín dụng đầu tư phát triển kinh tế của Agribank từ năm 1991 đến năm 2017 có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, nguồn vốn huy động tăng bình quân 27%/năm, dư nợ cho vay tăng bình quân 28%/năm; dư nợ cho vay hộ sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn tăng bình quân 36%/năm. Từ nguồn vốn này đã phát huy thế mạnh của địa phương, hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao; phát triển công nghiệp thủy điện, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống khu vực nông thôn, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện môi trường kinh doanh…

Sự có mặt của hàng loạt ngân hàng thương mại trên địa bàn từ năm 1997 đến 2007 đã buộc Agribank phải nỗ lực hơn nữa để tồn tại và phát triển bền vững. Tăng trưởng quy mô kinh doanh cả huy động vốn và đầu tư tín dụng, nhất là lĩnh vực tín dụng mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho Gia Lai là hướng chỉ đạo xuyên suốt. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận trong giai đoạn này là việc chuyển đổi cơ cấu tín dụng, đa dạng hóa đối tượng cho vay, chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương, ngoài nông nghiệp-nông thôn là lĩnh vực thủy điện. Tại thời điểm đó, Agribank Gia Lai là đơn vị đi đầu tiếp cận, thẩm định dự án và mạnh dạn đầu tư vốn tín dụng cho thủy điện. Qua 5 năm triển khai, tính đến cuối năm 2007, Agribank Gia Lai đã tài trợ vốn cho 11 dự án thủy điện với tổng dư nợ lên đến 726 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng dư nợ. Đáng chú ý là các dự án thủy điện trọng điểm như: Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4.
2.gif

Sự bền bỉ, quyết tâm nỗ lực bứt phá trong 10 năm liên tục đã mang lại kết quả kinh doanh rất đáng ghi nhận cho Agribank Gia Lai. Vốn huy động tăng 25,5%/năm, dư nợ tăng 27,1%/năm. Hơn hết, việc chuyển đổi cơ cấu đầu tư tín dụng, cơ cấu lại nợ thể hiện rõ nét khi tỷ trọng dư nợ cà phê chỉ còn 15%, các khoản nợ khoanh cà phê cơ bản được xử lý rốt ráo, thu hồi hết nợ gốc Công ty Mía đường…

Tầm nhìn tương lai

Có thể nói, từ năm 2008 đến nay, thị trường tài chính-ngân hàng bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt. Điều này đặt ra yêu cầu Agribank Gia Lai phải có bước đột phá để giữ vững vị thế, nâng tầm thương hiệu. Việc triển khai hệ thống IPCAS (hệ thống thanh toán nội bộ và kế toán khách hàng), lắp đặt máy ATM, máy POS/EDC được quan tâm thực hiện nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, chuyển tiền, rút tiền mặt của khách hàng. Trên nền tảng công nghệ hiện đại, Agribank đã phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại như: dịch vụ thẻ nội địa, thẻ quốc tế, giao dịch qua máy ATM, điện thoại di động, Internet Banking, giao dịch tài khoản qua kết nối trực tuyến (CMS)… Trong chiến lược phát triển kinh doanh, Agribank Gia Lai đặc biệt chú trọng định hướng phát triển kinh doanh đa năng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của một ngân hàng hiện đại.

Một dấu ấn quan trọng thể hiện sự phát triển lớn mạnh về quy mô kinh doanh của Agribank là việc chia tách để thành lập Agribank-Chi nhánh Gia Lai thành Agribank Gia Lai và Agribank Đông Gia Lai vào ngày 1-11-2016. Sự kiện này là bước tạo đà quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo, tiến tới quản trị ngân hàng theo hướng hiện đại và chỉ còn 2 cấp: cấp quản trị điều hành tại trụ sở chính và cấp trực tiếp kinh doanh. Đến cuối năm 2017, sau hơn 1 năm chia tách, cả 2 chi nhánh đều có sự phát triển về quy mô hoạt động, chất lượng và hiệu quả kinh doanh nâng lên rõ rệt. Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương của 2 chi nhánh đạt 9.220 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 16.359 tỷ đồng, nợ xấu chỉ chiếm 0,36% tổng dư nợ, thu dịch vụ đạt 55,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoán tài chính đạt 437,8 tỷ đồng.

Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank), hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai chương trình tri ân khách hàng “Sinh nhật vàng-Ngàn quà tặng” với phần thưởng đặc biệt là xe máy Honda SH Mode 125cc. Tại đợt mở thưởng lần thứ nhất ngày 15-3, có 10 khách hàng may trúng thưởng giải đặc biệt của Agribank. Trong số đó, Agribank-Chi nhánh huyện Kbang (trực thuộc Agribank Đông Gia Lai) có 1 khách hàng trúng thưởng giải đặc biệt và được trao thưởng vào ngày 22-3 vừa qua.

Sơn Ca

Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, định hướng phát triển kinh doanh của Agribank Gia Lai những năm tới vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, chủ lực đối với thị trường nông nghiệp-nông thôn gắn với mục tiêu kinh doanh “An toàn, hiệu quả, bền vững”, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đồng thời, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại để phát triển dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh kinh doanh đa năng, đáp ứng yêu cầu của một ngân hàng hiện đại.

                                                                                                                                                                      Nguyễn Dư
                                                                                                                                                
Giám đốc Agribank-Chi nhánh Gia Lai