Thăm dò

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này? Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
19%
 
12%
 
19%
 
49%

Đăng ký nhận tin

Xem bản tin mới nhất

Tăng cường liêm chính doanh nghiệp, sẽ 'hết đất' cho tham nhũng

12/03/2019

(TBTCVN) - Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp (DN) muốn phát triển bền vững, muốn có đối tác, vươn ra thị trường thế giới thì kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh liêm chính là chuẩn mực quan trọng hàng đầu.
 

Các diễn giả tại Hội thảo tham vấn ý kiến hoàn thiện Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế KSNB và CoC tại các DN Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”.

Tham nhũng trong khu vực tư nhân còn phổ biến

Trong hai thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia còn quan ngại về sự phổ biến của tham nhũng trong khu vực tư nhân, trong cả mối quan hệ giữa DN với Chính phủ và quan hệ giữa DN với DN. Rất nhiều nghiên cứu và khảo sát đã cho thấy tham nhũng trong khu vực tư nhân không hề giảm trong thập kỷ vừa qua. Không những thế, tham nhũng còn nổi lên như một mối đe dọa đến hoạt động kinh doanh của DN ở Việt Nam, làm suy giảm triển vọng phát triển kinh tế và sự bền vững lâu dài của đất nước.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2019. Chương VI của Luật áp dụng cho khu vực tư đề cập đến một số nghĩa vụ mới mà các DN phải thực hiện, đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) và Bộ quy tắc ứng xử (CoC). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp dụng một hệ thống KSNB đáng tin cậy và kết hợp với CoC tốt có thể giúp DN kiểm soát được mọi hoạt động trong đơn vị, cho phép họ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường mức độ đáng tin cậy của thông tin và mức độ tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các khái niệm này còn khá mới mẻ, cách thức các DN hiểu và áp dụng các công cụ quản lý này như thế nào còn chưa được làm rõ.

Các vấn đề tuân thủ, chẳng hạn như trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước, có một tỷ lệ lớn các DN đã vi phạm một số quy định; hay việc chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ nhà nước như là một thông lệ kinh doanh phổ biến mang tính văn hóa ở Việt Nam. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa DN với các đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn. Mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau, chiếm  25 - 30% trong các giao dịch kinh doanh. 1/3 số DN được hỏi cho biết họ không bao giờ áp dụng phương pháp đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Các hoạt động bất thường trong mua sắm, bán hàng đều chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong các DN tham gia khảo sát và điều này được cho là nguy cơ tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh.

Liêm chính DN là yếu tố quan trọng

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, việc mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Phòng chống tham nhũng ra khu vực tư và thực hiện liêm chính trong kinh doanh là một điều rất quan trọng không chỉ đối với hoạt động kinh doanh của DN mà còn đối với môi trường kinh doanh nói chung. Phòng chống tham nhũng, đảm bảo liêm chính thì sẽ đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và đó là một yêu cầu rất quan trọng nếu chúng ta muốn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Còn đối với từng DN, nó sẽ giảm thiểu những rủi ro và sẽ tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. DN muốn phát triển bền vững, muốn có đối tác, vươn ra thị trường thế giới thì kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh liêm chính là chuẩn mực quan trọng hàng đầu. Đây không phải là yêu cầu từ Chính phủ mà là yêu cầu nội tại của DN.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của DN không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư thương mại toàn cầu. Sự lãnh đạo đúng đắn các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính DN.

Ông Lộc cho rằng, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thì sự sáng tạo và tiếp cận công nghệ số chính là “bộ não” của DN, còn liêm chính chính là “trái tim” của DN. DN muốn phát triển một cách lành mạnh và phát huy được năng lực của bộ não và trái tim, muốn thực hiện được phòng chống tham nhũng hay thực hiện liêm chính trong DN thì bên cạnh khát vọng, mong muốn, mục tiêu hướng tới thì cần phải có những mô hình, công cụ và công nghệ. Điều này rất cần thiết đối với cả những DN lớn và các DN vừa và nhỏ (DNVVN). VCCI đã phối hợp với UNDP và Đại sứ quán Anh nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ, bộ quy tắc ứng xử để các DNVVN có thể áp dụng được một cách đơn giản, góp phần xây dựng DN liêm chính. 

Ông Lộc cũng khẳng định, điều quan trọng nhất để có thể loại bỏ chi phí không chính thức, thực hiện liêm chính, phòng chống tham nhũng là thúc đẩy cải cách thể chế. Cải cách thể chế theo hướng công khai minh bạch, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính và minh bạch hoá bằng các giao dịch điện tử để tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, DN với các công chức của cơ quan công quyền. Cũng như cần quy định rõ người dân không được làm cái gì và có thể làm gì, thời hạn và yêu cầu với cơ quan nhà nước như thế nào… Bên cạnh đó, việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử có tính chất kĩ thuật trong DN cũng là điều cần thiết để nâng cao trách nhiệm của những người tham gia vào hoạt động kinh doanh. Nếu kết hợp cả hai nỗ lực đó sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, liêm chính, giảm những chi phí không cần thiết.

Điều quan trọng nhất để có thể loại bỏ chi phí không chính thức, thực hiện liêm chính, phòng chống tham nhũng là thúc đẩy cải cách thể chế. Cải cách thể chế theo hướng công khai minh bạch, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính và minh bạch hoá bằng các giao dịch điện tử để tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, DN với các công chức của cơ quan công quyền. Cũng như cần quy định rõ người dân không được làm cái gì và có thể làm gì, thời hạn và yêu cầu với cơ quan nhà nước như thế nào…

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Theo Thảo Miên(Thời báo tài chính)