Thăm dò

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này? Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
19%
 
12%
 
19%
 
49%

Đăng ký nhận tin

Xem bản tin mới nhất

Quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao

06/10/2017

(GLO)- Đã có một niềm hy vọng của người tiêu dùng Việt Nam về những sản phẩm nông nghiệp sạch được sản xuất bởi công nghệ cao và quy  trình hữu cơ (organic). Niềm hy vọng ấy đầu tiên được đặt vào những doanh nghiệp đi tiên phong sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao được nhập khẩu từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới như Israel, Hà Lan, New Zealand hay Australia.

Nhập khẩu công nghệ cao trong nông nghiệp không khó. Trong câu chuyện này chỉ có 2 vấn đề cần suy nghĩ: phải có đất đủ rộng cho những dự án lớn và phải tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Gia Lai là một trong số những địa phương đi đầu trong cả nước về chủ trương quy hoạch những vùng dành riêng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP. Pleiku và các huyện, thị xã gồm: Đak Đoa, Chư Sê, An Khê, Ayun Pa.
Đó là những dự án rất khả thi, nếu ta tính đến điều kiện đầu tiên là quỹ đất. Gia Lai với vùng cao nguyên bazan đất rộng và người còn thưa, tuy mùa nắng có thể rơi vào cảnh hạn hán, nhưng công nghệ cao về nông nghiệp trên thế giới (điển hình là Israel) đã giải quyết được bài toán này bằng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm nhất.
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu trong Diễn đàn doanh nghiệp tỉnh lần thứ II năm 2017: “Về việc bố trí quỹ đất sạch để thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các dự án, đặc biệt là dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Sở Tài nguyên và Môi trường-cụ thể là Trung tâm Phát triển Quỹ đất-đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai”.
Khi đã có đất sạch, các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới có thể tính đến việc triển khai dự án của mình. Những dự án ấy, tùy theo diện tích đất được giao, mới tính được vốn đầu tư. Và chắc chắn, vốn đầu tư không hề ít. Vì thế, các doanh nghiệp đều thận trọng, và họ muốn có những khảo sát thật chắc ăn, từ quỹ  đất tới vốn đầu tư, từ nhập công nghệ nào tới khâu quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm ra sao.
Chúng ta đang có một thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch và không sạch, công nghệ cao và công nghệ thấp lẫn lộn. Tách biệt được 2 dòng sản phẩm này, tiến tới giảm thiểu sản phẩm nông nghiệp không sạch, tăng “độ phủ sóng thị trường” của sản phẩm nông nghiệp sạch công nghệ cao là điều bắt buộc phải làm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước, và tìm được cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Đã đến lúc không thể chần chừ trong công cuộc “sạch hóa, chất lượng hóa sản phẩm nông nghiệp”, một công cuộc lẽ ra phải được khởi động từ nhiều năm trước. Nhưng “muộn còn hơn không”. Và “bây giờ hoặc không bao giờ nữa”.
Nếu Gia Lai quyết tâm và có kế hoạch cụ thể, tính được trên từng công đoạn, thì tỉnh nhà hoàn toàn có thể trở thành một tấm gương về đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sạch.
Bởi Gia Lai có đủ điều kiện về quỹ đất sạch rộng lớn để làm những dự án này. Và bởi Gia Lai có tiềm năng về những nhà đầu tư nhiệt huyết, trong đó có những người khởi nghiệp trẻ tuổi. Một cuộc “cách mạng xanh-sạch” có thể khởi phát từ cao nguyên Gia Lai chăng? Tôi tin. 

Thanh Thảo