Thăm dò

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này? Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
19%
 
12%
 
19%
 
49%

Đăng ký nhận tin

Xem bản tin mới nhất

Kinh tế Việt Nam năm 2021: Cơ hội trước thách thức lớn COVID-19

19/02/2021

Theo các chuyên gia, kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để có tăng trưởng, song nếu không tính toán kỹ lưỡng, các giải pháp chống dịch có thể ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Điều đáng mừng là Chính phủ đang chỉ đạo áp dụng rất tốt các biện pháp bảo đảm mục tiêu “kép” giữa khống chế dịch và phục hồi tăng trưởng.

TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Hoàng Giang

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng ở trong nước, phần cung của nền kinh tế, năng lực sản xuất hiện nay không bị ảnh hưởng quá lớn, mà phần cầu bị ảnh hưởng nhiều hơn và có thể chịu tác động lũy tiến từ các đợt dịch trước. Đây là điểm cần hết sức chú ý.

Thưa ông, những yếu tố nào có thể làm cho tăng trưởng của Quí I có thể không đạt được như kỳ vọng?

TS Trần Toàn Thắng: Các dự báo tăng trưởng trước đây đều giả định rằng COVID-19 sẽ được kiểm soát vào khoảng giữa năm 2021 trên thế giới và ở Việt Nam cơ bản không có làn sóng COVID-19 mới.

Tuy nhiên, những giả định này cho đến nay có thể không phù hợp do COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới và Việt Nam cũng đang phải đối đầu với làn sóng mới này.
 

Với diễn biến COVID-19 phức tạp trở lại, rất khó để dự báo tăng trưởng quý I, vì còn tùy thuộc vào tình hình và biện pháp chúng ta kiểm soát dịch. Một số yếu tố cần chú ý đó là Quý I thường là quý mà các giao dịch kinh tế tăng nhanh do Tết âm lịch. Đặc biệt, tiêu dùng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng. Tuy nhiên ở thời điểm năm nay có thể khác.

Một là, bản thân mức tiêu dùng sẽ không tăng được nhiều do thu nhập giảm từ các quý trước. Hai là có thể hành vi tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo hướng giảm tiêu dùng, tăng tiết kiệm để đề phòng rủi ro. Nếu COVID-19 tiếp tục kéo dài, hành vi này sẽ rõ ràng hơn.

Trong khi đó, cầu từ bên ngoài cũng có thể không tăng mạnh do tiêu dùng của các khu vực như EU, Mỹ đã tăng trong Quí IV/2020 trong dịp Giáng sinh, cuối năm của họ.

Một yếu tố khác đó là nếu chúng ta phải áp dụng các biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng mạnh đến khu vực sản xuất và đầu tư. Ít nhất các ngành như giao thông vận tải, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong Quí I sẽ bị ảnh hưởng nhiều. 

Các yếu tố tích cực có thể kể đến như sản xuất nông nghiệp vẫn bảo đảm do cầu về lương thực, thực phẩm tăng. Ngoài ra những ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp thiết yếu vẫn duy trì tốt do trong vòng một năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã thích ứng với tình hình.

Một yếu tố khác nữa là đà phục hồi tăng trưởng của quí III và quí IV năm ngoái khá và nếu như tình hình hiện nay không diễn biến xấu hơn thì vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến các động lực đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì những lý do này, có thể cho rằng nếu kiểm soát tốt dịch trong một thời gian ngắn, tốc độ tăng trưởng có thể không bị ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, cũng rất cần chú ý là nếu đợt dịch này kéo dài hơn, ảnh hưởng lũy tiến từ các đợt dịch trước đây sẽ làm cho phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn.   

Như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá tại phiên họp Chính phủ mới đây, trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Theo đánh giá của ông, với các giải pháp đang được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tác động của đợt dịch lần này tới nền kinh tế sẽ như thế nào?

TS Trần Toàn Thắng: Có thể thấy đợt đầu tiên vào tháng 3/2020, với cách kiểm soát dịch trên diện rộng cùng với tắc nghẽn nguồn cung, xuất khẩu khiến cho kinh tế quý II/2020 bị ảnh hưởng tức thời và tương đối mạnh. Tuy nhiên, sức chịu đựng của nền kinh tế vẫn tốt.

Đến đợt dịch thứ 2 chúng ta đã rút kinh nghiệm trong kiểm soát và thay đổi cách tiếp cận, nền kinh tế dần dần phục hồi.

Với đợt dịch này, qua những lần rút kinh nghiệm, cách chúng ta khoanh vùng, truy vết không khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nhiều như đợt đầu tiên, nhưng sức chống chịu của nền kinh tế cũng đã có phần yếu đi.

Từ góc độ nghiên cứu, có thể thấy Chính phủ đang chỉ đạo áp dụng rất tốt các biện pháp bảo đảm mục tiêu “kép” giữa khống chế dịch và phục hồi tăng trưởng. Chỉ thị mới nhất về phòng chống dịch nhìn chung vẫn đang thể hiện tinh thần kiên quyết và khẩn trương chống COVID-19 nhưng giảm thiểu ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Mức độ tác động kinh tế của đợt dịch này sẽ tùy thuộc vào diễn biến của dịch và biện pháp khống chế. Chúng ta có thể thấy 2 mặt của vấn đề. Một là các hoạt động kinh tế đã quen với COVID-19 và vẫn diễn ra, nhưng mặt khác là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng và yếu thì không thể phục hồi được và sẽ có tỷ lệ doanh nghiệp phải đóng cửa.

Xét về tâm lý tiêu dùng và tiết kiệm, nếu dịch bệnh chỉ diễn ra 1-2 tháng, thì người dân có thể tạm dừng tiêu dùng trong thời gian ngắn và sau khi dịch được kiểm soát thì bùng lên như “lò xo bị nén”, nhưng nếu dịch kéo dài thì có thể làm thay đổi hành vi tiêu dùng, người dân sẽ dành cho tiết kiệm nhiều hơn như tôi đã nói ở trên.

Giảm cầu về tiêu dùng trong nước sẽ rất khó phục hồi và nguyên nhân có thể là cả những tác động lũy tiến từ các đợt dịch trước. Đây là điểm cần đặc biệt chú ý và việc duy trì, kích cầu tiêu dùng cần phải được cân nhắc sớm.

Ông có thể phân tích thêm về xu hướng thay đổi trong các ngành kinh doanh để thích nghi với COVID19?

TS Trần Toàn Thắng: Điểm thấy rõ nhất là về thương mại điện tử và áp dụng số hóa trong rất nhiều hoạt động kinh tế. Kể cả chưa có COVID-19 thì xu hướng thương mại điện tử, số hóa vẫn xảy ra, và COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng này.

Thương mại điện tử đang kỳ vọng là phát triển mạnh, ở thời điểm tháng 6, theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, có những mặt hàng thương mại điện tử tăng 300% trên thế giới. Trước đây có thể thương mại điện tử chỉ mang tính tạm thời nhưng giờ đây khi dịch COVID-19 kéo dài, nó đã trở thành thói quen, từ đó tạo đà cho các tăng trưởng thương mại điện tử.

Một số xu hướng kinh doanh khác như ngành bán lẻ, du lịch cũng đang thích nghi. Du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề cũng sẽ phải dần thay đổi theo hướng du lịch an toàn, có thế thấy ví dụ từ Thái Lan. Trong ngắn hạn, du lịch Việt Nam có thể tạm thời đóng cửa nhưng dài hạn thì chúng ta có thể tính theo hướng này.

Về ngành bán lẻ, hiện nay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hộ kinh doanh gia đình đang có chiều hướng giảm dần do sự phát triển của thương mại điện tử và sắp tới sẽ thay thế bằng các hình thức quy mô lớn, mà FTA, CPTPP cũng đang mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào ngành kinh doanh bán buôn bán lẻ, chiếm lĩnh thị trường lớn hơn.

Về nền kinh tế số, đây là điều các doanh nghiệp mong muốn nhưng trước COVID-19, một số điều tra ở doanh nghiệp FDI của chúng tôi cho thấy tốc độ số hóa tương đối chậm, đòi hỏi một khoản đầu tư nhất định. Trong thời điểm hiện này, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lại càng khó hơn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Ông có đề xuất giải pháp gì không?

TS Trần Toàn Thắng: Theo cá nhân tôi, đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp. Có thể nói, trong nước, phần cung của nền kinh tế, năng lực sản xuất hiện nay không bị ảnh hưởng quá lớn, mà phần cầu bị ảnh hưởng nhiều hơn, tuy nhiên, tiêu dùng tối thiểu vẫn được duy trì, COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng hàng cao cấp và dịch vụ. Việc khôi phục được thị trường trong nước, đặc biệt là các biện pháp kích cầu cần phải được thực hiện.

Trong năm 2020, cầu vẫn có thể duy trì được (tăng 2%). Tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa phá sản có tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới cũng nhiều, nông nghiệp vẫn duy trì tốt, tăng trưởng 2-3%, bảo đảm cơ bản thị trường trong nước. Nếu trong quý I kiểm soát tốt thì kinh tế số sẽ kích thích thêm được khu vực trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn cần phải quyết liệt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh những yếu tố chi phí ngắn hạn như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí… cần tính đến giảm chi phí dài hạn, ví dụ như lãi suất vay dài hạn cần phải giảm. Hiện nay, lãi suất cho vay dài hạn đang tương đối cao so với lãi suất cho vay ngắn hạn. Cần phải giảm lãi suất cho vay dài hạn để kích thích doanh nghiệp đầu tư về mặt dài hạn cũng như chuyển đổi kỹ năng của người lao động, thay đổi hệ thống máy móc theo hướng số hóa.

Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ mang tính cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong ngắn hạn như phí giao thông, chấp nhận một số doanh nghiệp yếu quá phải đóng cửa, lựa chọn những doanh nghiệp để hỗ trợ. Qua đó “một mũi tên trúng 2 đích” vừa là hỗ trợ, vừa tạo nền tảng về dài hạn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận, bên cạnh tác động từ các FTA, sau COVID-19, rủi ro từ bất ổn tài chính toàn cầu có thể tăng lên. Tôi cho rằng, điều mà chúng ta cần quan tâm trong năm 2021 là Việt Nam phải tìm cách để có nền tảng duy trì ổn định vĩ mô.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cơ hội bứt phá và tăng tốc

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành cú hích quan trọng, là trụ cột nền tảng để thúc đẩy quá trình phục hồi “vết thương” do dịch bệnh.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn nêu quan điểm trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những ảnh hưởng từ COVID-19 tới kinh tế - xã hội cũng như những dự đoán về mô hình tăng trưởng cho thời gian tới.

 

Kinh tế Việt Nam năm 2021: Cơ hội trước thách thức lớn COVID-19

 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn

Ông khẳng định: Nếu chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh thì tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết cần phải đảm bảo để có tăng trưởng.

Tháng 1 chúng ta vừa có khởi sắc về con số thống kê, xuất nhập khẩu tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giờ tháng 2 đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát COVID-19 lần ba.

Về giải pháp, theo ông Tuấn, vừa phải có giải pháp đặc biệt đối mặt với khủng hoảng (như miễn, giảm thuế), vừa phải có giải pháp chiều sâu để vừa bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp, hạn chế sự đóng cửa, phá sản, trợ giúp cho các doanh nghiệp qua cơn khó khăn, vừa giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình và phương hướng kinh doanh để phát triển. Ông cũng đề xuất cần nghiên cứu sớm để đưa gói cứu trợ mới cho doanh nghiệp.

Ông Tuấn cũng cho rằng chỉ trong hoàn cảnh của dịch bệnh, khủng hoảng mới thấy sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.  “Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần giai đoạn của đổi mới sáng tạo là giai đoạn cao của quá trình phát triển. Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, theo hướng hiệu quả, năng suất, tăng trưởng xanh”, ông nói.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, đầu tư của khu vực Nhà nước tăng rất cao, đến 14,5%, điều này là tất yếu và phù hợp để phục hồi tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kép. Nhưng về lâu dài, phải có những rà soát về thể chế chính sách để khuyến khích và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư nhiều hơn, giảm thiểu những khó khăn và các rào cản để thu hút nhiều hơn FDI – đặc biệt là dòng FDI chất lượng, gắn với chuyển giao công nghệ cao, thân thiện môi trường, FDI thúc đẩy các doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía cầu, ông Bùi Quang Tuấn cũng khuyến nghị phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách kích cầu, tăng tiêu dùng nội địa để tận dụng thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam với gần 15% dân số là ở mức trung lưu.

Về cải cách thể chế, bên cạnh cải cách thể chế để giải phóng sức sản xuất và các động lực chúng ta đang có, cần dỡ bỏ các điểm nghẽn và rào cản cho phát triển khoa học công nghệ.

“Cải cách thể chế theo hướng xây dựng thể chế để tạo động lực mới từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng cũng quan trọng tương đương như là dỡ bỏ các rào cản về thể chế chính sách đang làm hạn chế đầu tư và kinh doanh. Chúng ta đã nhận thức đã khá đầy đủ về vai trò của các động lực mới là khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, vấn đề còn lại là thể hiện bằng chính sách cụ thể, có mục tiêu, công cụ cụ thể để giám sát việc thực hiện”, ông Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Các trung tâm đổi mới sáng tạo đang là những thử nghiệm thể chế tiên phương rất là đúng hướng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hướng này.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa được thông qua, lần đầu tiên nhấn mạnh động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng vươn lên để đạt mục tiêu phồn vinh, phát triển. Ông Tuấn nhắc lại câu chuyện tinh thần là yếu tố rất quan trọng đã tạo nên thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc sau chiến tranh thế giới thứ 2.

“Cần phải quyết liệt trong các giải pháp để giúp con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm nắm bắt cơ hội để vươn lên và cùng xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Đây phải là tinh thần xuyên suốt không chỉ để đất nước vượt qua khó khăn để chống bệnh dịch, không chỉ là cho chặng đường 5 năm, 10 năm, mà phải cho cả một giai đoạn dài của sự phát triển, với tầm nhìn đến năm 2045 và xa hơn nữa”, Viện trưởng nhận định.

Theo HOÀNG GIANG - NHẬT NAM (Chính Phủ)