Thăm dò

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này? Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
19%
 
12%
 
19%
 
49%

Đăng ký nhận tin

Xem bản tin mới nhất

HỘI NGHỊ CÔNG BỐ CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHỈ SỐ HÀI LÒNG VỀ SỰ PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH NĂM 2019

21/05/2020

Sáng 19/5, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019. Dự Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Đỗ Tiến Đông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai

Công tác cải cách hành chính năm 2019 tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường khảo sát thực tế, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến để nghiên cứu, áp dụng tại bộ, địa phương mình, giúp kết quả cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2019 các bộ tập trung vào 2 nhóm điểm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp. Nhóm B, đạt kết quả chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90% gồm 14 đơn vị. Giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018.

Kết quả chỉ số cải cách hành chính 2019 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 1 tỉnh (Quảng Ninh). Nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 43 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 19 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, chỉ số cải cách hành chính 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81,15%, cao hơn 4,23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76,92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Riêng đối với Gia Lai, năm 2019, chỉ số cải cách hành chính tăng 09 bậc so với năm 2018, từ vị trí 50 lên vị trí 41/63, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 cho thấy, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ cơ quan hành chính Nhà nước. Năm 2019, 10 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính ở mức trung bình, 27 tỉnh khá và 6 tỉnh tốt. So sánh năm 2019 với năm 2018, 41/63 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng. Tại Gia Lai, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đứng vị trí 38/63 tỉnh, thành phố với 84,45%, (năm 2018 là 74,21%.)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ ghi nhận và biểu dương Bộ Nội vụ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. Cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực, nội dung cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử theo hướng thực chất, hiệu quả hơn; tổ chức vận hành Cổng dịch vụ công các cấp và Cổng dịch vụ công quốc gia  thiết thực, phù hợp với người dân, tổ chức ở địa phương. Chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, xử lý nghiêm túc, kịp  thời việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính và dịch vụ công tại các cấp chính quyền địa phương để đảm bảo dữ liệu được cập nhật kịp thời, đúng quy định và có thông tin đầy đủ, chính xác. Các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, khách quan về việc thực hiện và kết quả cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Chính phủ, chính quyền các cấp, đảm bảo người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ sử dụng thông tin, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của người dân và tổ chức trong việc giám sát, phản hồi ý kiến đối với chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước, công chức ở địa phương. 

​                                                                                                            Ngọc Minh