Thăm dò

Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này? Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
 
19%
 
12%
 
19%
 
49%

Đăng ký nhận tin

Xem bản tin mới nhất

Gia Lai: Phát huy nội lực, vươn lên mạnh mẽ

16/03/2018

(GLO)- Ngày 17-3-1975 Gia Lai sạch bóng quân thù. Từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu với nhiều tàn tích chiến tranh để lại, 43 năm sau ngày giải phóng, Gia Lai đang vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc...

Những bước tiến dài

        Không chỉ với người dân đang sinh sống tại Gia Lai, những người đi xa nhiều năm trở về không khỏi ngạc nhiên và vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của tỉnh nhà. Chị Kelly Thy Nguyen (Việt kiều Mỹ) chia sẻ: “Ngày trước, tôi ở số 57 đường Lê Lợi. Di cư cũng lâu rồi, vài ba năm tôi lại về thăm quê nhưng lần nào cũng thấy bất ngờ vì Pleiku phát triển nhanh quá. Nhà cửa được xây dựng to đẹp hơn. Các đường phố sầm uất hơn với những cửa hàng buôn bán. Nhất là đường sá được đầu tư mở rộng và đẹp. Nhìn cuộc sống của người thân và những người xung quanh, tôi thấy mức sống của họ đã cao hơn rất nhiều”.

          Để có được sự đổi thay nhanh chóng như vậy, tỉnh ta đã nỗ lực rất nhiều trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế. Điều đó thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn duy trì ở mức khá. Giai đoạn 1976-1990, bình quân hàng năm tăng 3,5%; giai đoạn 1991-2010 tăng trên 11%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 12,8%/năm. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,42%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 38,75%, dịch vụ chiếm 33,52% và công nghiệp-xây dựng chiếm 27,73%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 42,5 triệu đồng/năm.
         Từ một địa phương miền núi có hạ tầng yếu kém, đến nay, nhờ được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh đã ngày càng hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình trọng điểm như: Cảng Hàng không Pleiku, quốc lộ 14, 14C, 19, đường Trường Sơn Đông, các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, giao thông nông thôn… được quan tâm đầu tư đúng mức giúp cho việc đi lại ngày càng thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động giao thương phát triển.
          Hiện nay, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tỉnh còn đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài thông qua các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đang được tỉnh thực hiện một cách quyết liệt. Theo đó, hàng loạt các giải pháp đã được  tỉnh tích cực thực hiện như: đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh…
          Nhờ những nỗ lực đó mà trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Gia Lai đã có nhiều khởi sắc. Tính từ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức vào cuối năm 2016 và Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên đầu năm 2017 đến nay, tỉnh đã thu hút được 115 dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, điện năng, du lịch, dịch vụ. Hiện đã có 15 dự án hoàn thành, đi vào hoạt động và 44 dự án đang triển khai; số còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục.
Tiếp tục phát huy nội lực
          Năm 2018 được coi là năm “bản lề” có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Theo đó, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7,8%. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã khẳng định: “Năm 2018, mục tiêu trên hết là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đảm bảo tính cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7,8% hoàn toàn có thể đạt được nếu khai thác có hiệu quả các ngành sản xuất có lợi thế và tiềm năng”.
         Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều giải pháp mang tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực đã được tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Đó là tập trung triển khai kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn; đẩy mạnh phát triển cây trồng có lợi thế và giá trị kinh tế cao; chú trọng tổ chức lại sản xuất theo quy mô hợp tác xã gắn với thị trường; hướng dẫn chăn nuôi theo mô hình trang trại; ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, kêu gọi đầu tư để các dự án hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh ngay trong năm 2018. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn để đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của địa phương như: chế biến nông-lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; chú trọng thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng điện gió, điện mặt trời...
        Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, phấn đấu năm 2018 phát triển được 770 doanh nghiệp, tiến tới mục tiêu 7.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Đối với công tác xây dựng cơ bản, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương sẽ rà soát bố trí vốn đầu tư-xây dựng cơ bản theo hướng tránh dàn trải, chống thất thoát, lãng phí, ưu tiên vốn cho những dự án công trình cấp thiết.
         Ngoài ra, trong các lĩnh vực còn lại, tỉnh cũng đề ra những giải pháp mang tính đặc thù. Đó là sẽ tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, tỉnh cũng sẽ tập trung xóa đói giảm nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,55%, và phấn đấu giải quyết việc làm cho 25 ngàn lao động.
          Với những kết quả đã đạt được sau 43 năm giải phóng cùng những định hướng mang tính chiến lược quan trọng, Gia Lai sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo vị thế vững chắc trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Hà Duy